Category Archives: News

Tìm Về Nỗi Nhớ

Nhìque-huong-dat-nuocn đồng hồ, 3h, 4h rồi 6h sáng mà vẫn cứ trằn trọc hoài không ngủ được… Con nhớ O và nhớ về mảnh đất gió lào đầy nắng cháy đó. Hôm nay nhà nhắn sang bảo O Tâm con mất rồi! Con thẫn thờ cả ngày để chấp nhận sự thật đó. Tết rồi gọi điện về chúc tết, O còn dặn: “Tết năm sau về rồi 2 O cháu ta nói chuyện nhiều hơn hị. Con cứ yên tâm mà học, O còn khỏe mà, phải chờ cháu của O lấy bằng Tiến sỹ và cưới vợ nựa”. Vậy mà bây giờ thì cháu mãi mãi không được gặp O nữa rồi! Biết rằng O con bệnh cả hơn 2 năm nay nhưng thật khó để chấp nhận rằng con mãi mãi không nhìn thấy O thêm một lần nào nữa!. Nằm hoài, con không ngủ được, hình ảnh O và những ký ức về tuổi thơ cứ hiện về bên con, thôi thúc con tìm về những nỗi nhớ…

O là em ruột liền sau cha. Nhà Nội có 6 người: 3 trai 3 gái, cha thứ 3 và O thứ 4. Trước cha là bác hai và một O nữa. Do 2 anh chị, người thì phải đi bộ đội làm nghĩa vụ người thì lấy chồng sớm nên trong nhà cha và O như hai anh chị cả. Nhà ông bà Nội lúc đó nghèo nhất vùng vì bị quy vào tội địa chủ! Ruộng đất nhà cửa đều bị tịch thu hết và phải di cư xuống vùng kinh tế mới: sau là rừng rậm, trước là cánh đồng hoang đầy phèn. Tuổi thơ của O và cha là những năm 60-70 ở mảnh đất này thì khổ mà không có từ nào diễn tả cho hết. O cao nhưng người gầy và yếu lắm, nhưng phải làm lụng để nhà có cơm độn khoai mỳ. Mà nghe cha kể lại thì bữa ăn mỗi người cũng được 1 chén, chỉ có chú út được 2 chén thôi, mà cơm chỉ có 1 phần còn khoai mỳ tới 9 phần lận!

Sau nhà Nội lúc đó là cánh rừng và Bàu Nại, tuổi thơ của Cha và O gắn liền với nó. Cứ 4h sáng, Nội lại đùm cho 2 anh em 2 nắm cơm khoai mỳ với muối vừng, rồi 2 anh em cầm dao, liềm và gánh đi vào rừng lấy củi và tranh về bán. Cứ đều đặn hằng tuần, ông Nội, Cha, và O lại đẩy một xe củi và một xe tranh đầy lên huyện để bán. Đẩy xe gần 3 tiếng đồng hồ mới lên tới chợ huyện, bán 2 xe vậy được 10 đồng, 2 anh em mừng hết đỗi vì có tiền về cho bà Nội trang trải. Có bữa đi bán củi và tranh, nhà nọ thấy 2 anh em tội mà thương quá nên cho ăn một bữa cơm trắng với cà muối, đó là lần đầu 2 anh em được ăn một bữa no sướng đến vậy!!!

Những ngày trời mưa, không đi rừng được thì cha và O lại đi vô bàu Nại để bắt tôm cá. Bàu Nại không lớn lắm, chỉ là một đập nước người ta ngăn lại dưới chân rừng để lấy nước tưới tiêu. Nhưng thời đó tôm cá nhiều lắm. Cứ khuya khuya, tầm 9h, 2 anh em cầm câu, đèn đất và rổ đi vào bàu. Cá tôm bắt được, con nào ngon thì bà Nội phải bán để có tiền cho mấy anh em ăn học. Đi đêm nhiều gặp ma, sau này mỗi lần 2 anh em ngồi lại là hay kể mấy chuyện gặp ma, đám con cháu nghe mà tè cả ra quần. Bàu Nại tuy nhỏ nhưng không hiểu sao nhiều người chết đuối ở đó lắm, con nít có, người già chết đuối đó cũng có. Chỗ mà người ta bị chết đuối lại là nơi nhiều tôm cá, nên cha và O hay cắm câu ở đó. Có một bữa, tầm 2h sáng, lúc đang đi cắm câu, O nhìn lại thì thấy có một bóng người trắng hiện lên nhìn vào cần câu vừa cắm, O kéo cha nhìn thì cha nhìn thấy 2 bóng người lận mà cứ lúc hiện lúc tắt. Hai anh em không nói năng gì, cầm tay nhau và chạy bán sống bán chết băng đồng về nhà. Về kể với bà Nội, bà dặn mấy điều cần biết nếu thấy ma và mỗi lần đi vào bàu bắt cá thì Nội chuẩn bị cho 2 anh em 2 bịch tỏi nhét vào lưng quần. Nghe kể từ đó cả cha và O đều không thấy gì nữa.

Rồi cũng tới tuổi lấy chồng, O người cao nhưng vì gầy nên không đẹp. Nội lúc đó sợ O ế chồng. Rồi duyên số, O lấy dượng. Dượng ở huyện kế bên, có một đời vợ rồi, tính cũng giang hồ lắm. Quê mình có câu: Trai Cát Ngạn, để ám chỉ trai vùng đó giang hồ, và nghe bảo trước khi cưới O thì Dượng là người như vậy. Nhưng vì Nội sợ O ế nên vẫn gả O cho Dượng. Không biết sao, mà sau khi cưới O thì Dượng đổi tính hẳn, tu chí làm ăn, thương O lắm, rồi sinh được 2 đứa con trai cao to trắng trẻo. Người trong vùng cứ nói là do phúc của ông Nội. Mà thấy cũng đúng, thường thì phúc của cha để lại cho con gái. Nội có 3 người con gái, lấy 3 Dượng đều là những người rất tuyệt vời: Yêu vợ thương con, giỏi làm kinh tế, chu đáo, và chăm lo cho gia đình nội ngoại.

Mỗi lần được theo cha mẹ hay ông bà Nội vào chơi trong nhà O Dượng là một lần mình sướng không thể tả được. Lúc đó (những năm đầu 90), thì nhà ai cũng khổ, nhà O cũng vậy. O chăm chỉ và tằn tiện từ nhỏ, nên khi lập gia đình cũng vậy. Nuôi được con gà con vịt là để bán chứ ko có làm thịt ăn. Chỉ mỗi lần con cháu vào chơi thì mới làm ăn. Mình nghe kể vậy rồi thương O từ đó. Nhà O cách nhà mình gần 20km. Có lần mình được theo bà Nội vào chơi với O Dượng. Bà Nội không đi được xe đạp vì có xe đâu mà đi, nên hai bà cháu đi bộ từ mờ sáng tới trưa mới tới. Thấy hai bà cháu, O Dượng mừng quýnh. Những ngày ở với O Dượng và Bà Nội như vầy mãi là một phần nỗi nhớ trong con!

Với Nội, Cha và O là hai anh em cực khổ nhất trong nhà nên Nội thương cha và O lắm. Sau này bà Nội rồi tới ông Nội mất, người mà ông bà kêu vào dặn dò trước lúc mất là cha và O. Còn với cha, dù cha không nói ra nhưng O là đứa em mà cha thương nhất. O mất, mình gọi về để an ủi cha, cha bảo: “thôi thì số phận O con chỉ đến đó nên đành chịu, O con được gặp ông bà rồi, nên con cứ yên tâm mà học đừng buồn quá nghen con”. Cha vẫn vậy, cứ nén những nỗi buồn để không ai thấy, nhưng mình biết cha cũng đang tìm về những nỗi nhớ trong những ngày này!

23082015, Ulsan, viết cho đêm dài không ngủ…

Hy Vọng

Người ta nói, để đánh giá sự tiến bộ của một xã hội thì hãy nhìn vào nền giáo dục của nó. Bởi, giáo dục là gốc gác của con người, và con người là tài nguyên quan trọng nhất của xã hội; do vậy, con người trong xã hội nào được đào tạo tốt và hướng nghiệp đàng hoàng thì ắt hẳn xã hội đó đi lên.

Continue reading →

Thời Sinh Viên

Hôm nay nói chuyện với đứa em đang Sinh viên (SV) năm nhất về mấy vẫn đề học tập và sinh hoạt của cu cậu. Nói chuyện với nó gợi lại cho mình nhớ về một thời rực lửa của quãng thời gian đẹp nhất – Thời sinh viên. Với mình, quãng thời gian là sinh viên là đẹp nhất vì lúc này mình có đầy đủ quyền “dám làm dám chịu”, và vì đây là lần đầu tiên mình thực sự “độc lập” với Cha mẹ. Dù rằng mình xa nhà ở trọ từ thời học phổ thông nhưng lúc đó vẫn còn bị “2 đại ca” kia kèm dữ lắm, hihi. Lên đại học (ĐH) thì cả mấy tháng trời mới gặp được Cha mẹ một lần nên chả phải sợ bị la ó hay giám sát hằng ngày nữa, tha hồ mà “quậy”, tha hồ mà làm những gì mình thích. Bởi thế mình gọi thời SV là thời rực lửa là vậy, hehe.

Chát xong với cu cậu, mình ngồi ghi lại mấy dòng này, coi như để nhớ về thời SV đã xa và cũng như chia sẻ với những bạn đang là SV về những trải nghiệm của mình lúc bấy giờ. Chỉ là chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về thời SV, cho nên không có chỗ đúng-sai ở đây nhé các bạn.

Hai chủ đề mà mỗi lần mình có dịp nói chuyện với các bạn SV thường đề cập tới đó là Làm sao học tốt và Có nên yêu lúc đang là SV hay không? Riêng câu hỏi thứ hai được đứa em mình hỏi ngay sau khi nhập môn chát với anh nó; lạ thật, chắc thời SV phải yêu mới là một SV thì phải? hihi. Câu hỏi này, mình trả lời với em nó như sau: theo lý thuyết mà “người lớn” đưa ra thì không nên yêu lúc này vì cuối cùng không đi về đâu cả, do đó thay vì yêu đương thì nên dành thời gian mà học tập. Nhưng thực tế thì lý thuyết trên lại không đúng lắm. Thời mình, thấy có nhiều đứa bạn yêu lúc đang SV, rồi sau này thành vợ thành chồng ngon lành, khi học thì tụi nó hỗ trợ nhau trong cả việc học và cuộc sống nên kết quả học rất tốt. Như vậy chuyện yêu đương thời SV thì tùy bạn cả thôi: Tập trung học, không yêu đương gì cả, ok ah; hoặc yêu mới là SV, mới giúp chúng ta có kinh nghiệm trong giao tiếp với người khác giới, điều này cũng không sai. Nhưng hãy nhớ rằng, dù yêu hay không yêu thì bạn cũng phải học (qua trải nghiệm hoặc lý thuyết) trong giai đoạn này về điều tối quan trọng trong tình yêu đó là: yêu phải dựa trên sự hiểu biết. Sự hiểu biết ở đây là gì? Đó là sự hiểu biết về sức khỏe giới tính, về tính cách (cá tính) của người mình yêu, và tôn trọng sự khác biệt giữa ta với “người”.

Còn với câu hỏi thứ nhất, theo mình thì nó quan trọng hơn câu hỏi thứ hai nhiều. Thời SV của bạn rực lửa thực sự nếu bạn có kết quả học tập đáng nể, chứ không phải bạn tán đổ bao nhiêu cô bạn (anh bạn) trong gian đoạn này. Kết quả học tập tốt không chỉ gói gọn ở điểm tổng kết các môn học, mà nó còn dựa vào những kỹ năng mềm mà bạn học tập và trui rèn được. Trong những kỹ năng mềm, 2 kỹ năng quan trọng nhất đó là khả năng sắp xếp thời gian và khả năng làm việc nhóm. Khi bạn biết cách sắp xếp thời gian tối ưu thì bạn sẽ định vị được ngày hôm nay bạn sẽ làm được gì, tuần này bạn làm xong những gì, và kết quả học tập của bạn trong năm nay sẽ ra sao. Mỗi ngày, ai cũng chỉ có đúng 24h, không ai hơn ai về khoản này. Ngoài 6-7h để ngủ, bạn còn 18h nữa để làm việc. Hãy sử dụng 18h này một cách khôn ngoan nhất bằng cách ưu tiên những việc mà bạn xem nó tối quan trọng nhất: học những kiến thức chuyên ngành, chuẩn bị ôn thi, học anh văn, etc. Có một điều mà bây giờ mình nhìn lại thời SV thấy hối tiếc đó là trong thời gian biểu hằng ngày, mình không dành cho việc rèn luyện sức khỏe. Hãy dành mỗi ngày độ khoảng 45 phút cho tới 1h để rèn luyện sức khỏe thông qua việc chơi một hoặc hai môn thể thao mà bạn thích nhất nhé. Còn về kỹ năng làm việc nhóm, đây là kỹ năng không thể thiếu khi bạn đi làm. Hãy tập dần kỹ năng này để sau này bạn có thể làm việc với bất cứ hoàn cảnh cũng như đồng nghiệp nào. Ngoài những môn học yêu cầu làm việc nhóm để báo cáo kết quả thì hãy tìm cho mình một nhóm nào đó để tham gia thảo luận và hỗ trợ nhau trong việc học.

Để phác họa mức độ “rực lửa” của thời SV, mình thường dựa vào 3 tiêu chí sau, mức độ quan trong của mỗi tiêu chí cũng được xếp theo thứ tự. Đó là, thứ nhất, điểm tổng kết các môn học của bạn ra sao? Thứ hai, bạn có tham gia câu lạc bộ (nhóm) nghiên cứu-học tập nào không? Thứ ba, mỗi tuần bạn làm part-time được bao nhiêu tiếng? Tiêu chí thứ nhất, theo mình quan trọng nhất, dù bạn khăng khăng là mình chăm chỉ, mình thông minh nhưng tổng kết cứ lẹt đẹt 5-6.0 (thang điểm 10.0) hoặc rớt môn từa lưa thì rất khó để đánh giá cao bạn lúc này. Tuy nhiên, chưa hẳn một bạn điểm tổng kết 8.0 sẽ ra làm việc hay hơn bạn 6.0, vì nó còn phụ thuộc vào kiến thức chuyên ngành bạn nào cứng hơn, và kỹ năng mềm bạn nào mềm hơn nữa. Bạn Phải ý thức được những môn học nào là môn trọng tâm của chuyên ngành bạn đang theo học để từ đó xác định được môn nào học để lấy điểm và môn nào học để có kiến thức. Hãy hỏi thầy cô và anh chị học trước bạn (nhất là những anh chị tốt nghiệp rồi) để biết về những môn học này nhé. Với những môn học để cho qua, ví dụ như môn Lịch sử đảng, Kinh tế chính trị, etc thì nếu giáo viên đứng lớp không điểm danh thì chỉ cần đi học 2 buổi; đó là buổi đầu và buổi cuối, lên coi đề cương học và nội dung thi và liếc xem đứa nào nó hay ngồi bàn đầu ghi chép đầy đủ, rồi sau này mượn tập nó mà học bài trước khi thi vài ngày là ok. Còn những môn trọng tâm của ngành bạn thì phải đi học chăm chỉ, vừa lên nghe giảng vừa lên phản biện với thầy cô; hãy dốc hết sức với nhưng môn này! Chuẩn bị bài và các câu hỏi trước khi lên lớp, những môn cần thực nghiệm hay mổ phỏng thì phải thuần thục với nó. Ở tiêu chí này, hãy ra trường với điểm GPA trên 7.0 và các môn chuyên ngành phải trên 7.5 nhé. Còn về tiêu chí thứ hai, hãy tham gia càng nhiều nhóm nghiên cứu học tập càng tốt. Tất nhiên không phải tham gia kiểu cho có, tới chơi chơi hết ngày rồi về, vậy nó uổng lắm; khổ nhất là khi mình tự lừa dối mình mà hihi. Ít nhất hai câu lạc bộ sau bạn nên tham gia: câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của khoa và câu lạc bộ ngoại ngữ. Theo mình biết thì hầu hết khoa nào cũng có câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, hãy lân la làm quen với mấy anh/chị khóa trước mà đu theo họ trong các câu lạc bộ khoa học. Mới tham gia thì chỉ đi làm cu ly thôi, dần già theo thời gian thì bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích, rồi sẽ là người làm chính của nhóm sau này. Ý nghĩa của việc tham gia nhưng câu lạc bộ nghiên cứu khóa học thì bạn sẽ thấy rất rõ khi làm đồ án bảo vệ tốt nghiệp. Lúc mình là SV, do là SV khoa điện, nên mình tham gia nhóm làm Robocon, sau này làm đồ an tốt nghiệp thấy sướng vô cùng, còn những bạn khác không tham gia nhóm nghiên cứu nào thì khá trầy trật vì liên quan tới các mô hình yêu cầu thực nghiệm. Còn với câu lạc bộ ngoại ngữ, thì nó có thể không bó hẹp trong trường/khoa của bạn, mà nó có thể từ nhiều trường khác nhau. Mạng xã hội như Facebook đang là một công cụ mạnh để bạn tìm được nhóm học ngoại ngữ tốt.

Sau khi bạn cảm thấy ổn (thích nghi tốt) với việc học ở ĐH thì bắt đầu quan tâm tới tiêu chí thứ ba đó là đi làm thêm. Làm thêm sẽ cho bạn hai điều sau: tiền và kinh nghiệm. Tiền để giúp bạn mua đồ dùng học tập và thỉnh thoảng dẫn bạn gái (trai) đi uống … trà đá, hehe. Kinh nghiệm đó là sự tiếp xúc với môi trường ngoài giảng đường, giúp bạn lanh lợi hơn, đĩnh đạc hơn. Công việc làm thêm có thể là đi dạy kèm, đi phát tờ rời, phụ quán cơm, hay bạn nào giỏi office thì đi đánh máy, etc. Hãy làm thêm bất cứ việc gì mà bạn có cơ hội biết. Sau khi đi làm part-time một thời gian, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thời SV cân bằng hơn nhiều so với cuộc sống chỉ biết lên trường hằng ngày. Mỗi tuần, tốt nhất bạn nên làm thêm khoảng 6-8h, đừng làm nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới tiêu chí thứ nhất và thứ hai.

Khi bạn làm tốt cả 3 tiêu chí trên thì ra trường bạn sẽ được các nhà tuyển dụng “hốt” liền. Bài toán thất nghiệp của bạn coi như vô nghiệm.

Thay cho lời kết xin tặng các bạn SV bài hát Cây đàn Sinh viên do Mỹ Tâm trình bày. Các bạn thật sướng vì các bạn đang được sống và cháy trong những ngày rực lửa nhất của cuộc đời. Hãy sống, hãy học tập, và hãy chơi “khô máu” nhé các bạn!

“Giờ nhớ nhau nhớ nhau thật nhiều

Giờ nhớ nhau ta ôm đàn ghita…”

CL-Ulsan-20140408.

 

Tri Túc Thường Lạc

Mỗi chúng ta lớn lên từ thể xác, nhận thức, tới tâm hồn đều dựa vào dù ít hay nhiều bởi nếp sống của gia đình và văn hóa của xã hội. Ảnh hưởng của gia đình rõ ràng khi chúng ta mới sinh ra cho tới khi đi học lớp mầm, bởi lúc này tương tác với xã hội đang bị hạn chế. Khi ta lớn hơn chút đỉnh, sự tương tác với xã hội đánh giá bởi sự va chạm với bạn bè trong lớp hay mấy đứa cùng trang lứa ở nhà kế bên. Khi ta đến tuổi có đủ năng lực chịu trách nhiệm với mọi hành vi (trên 18 tuổi) có nghĩa ta đã trưởng thành thì va đập trong cuộc sống với xã hội này hay nói đơn giản là những người xung quanh sẽ rõ ràng và thường xuyên hơn. Như vậy cuộc sống một đời người, sự san sẻ môi trường sống với các cá thể khác trong xã hội là điều đương nhiên. Chúng ta không có quyền chọn lựa sẽ gặp ai hay sẽ tương tác với ai vì gặp được người khác là duyên là ngẫu nhiên. Điều chúng ta nên làm là nâng cao sự hiểu biết để sống tốt với cuộc sống này mà thôi.
Có người nói rằng, mặt bằng văn hóa của đất nước chúng ta đang đi xuống. Nhận xét này có thể đúng và cũng dễ lý giải tại sao có sự đi xuống trong giai đoạn này. Nếu như vậy, văn hóa của mỗi chúng ta lúc này đang bị kéo xuống trong cách hành xử, trong những hàng vi và lỗi suy nghĩ? Rất có thể lắm! Vì nếu chúng ta đang sống trong nền văn hóa yếu kém (thiếu văn minh) thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ta. Sự nghèo đói, chiến tranh gây nên sự thù hằn, và nền văn hóa dựa vào quan niệm sống so kè hơn thua là 3 nguyên nhân cơ bản dẫn tới văn hóa người Việt vị bản thân là chủ yếu. Cái nghèo cái đói của lũy tre làng làm mắt ta mờ đi, làm trí ta không nhìn xa được, chỉ quay quẩn ở giếng nước vườn rau mà quên đi rằng ngoài biển khơi còn nhiều điều quý báu để khám phá, để mang về xây dựng quê hương gấp ngàn vạn lần.
Chiến tranh với phương bắc chỉ tạm kết thúc năm 1984, với các nước đế quốc năm 1975 và nghiêm trọng nhất là chiến tranh giữa những bè đảng dù cùng dòng Lạc cháu Rồng vần còn liên miên. Những cuộc chiến này, hậu quả lớn nhất là sự thù hằn, nghi ngờ lẫn nhau, rồi sinh ra tư duy chống phá và kìm hãm lẫn nhau. Bởi thế rất khó để đất nước ta phát triển kinh tế, dẫn đến nghèo đói, mà cái nghèo thì bó cái khôn. Chừng nào chúng ta còn giữ trong người sự thu hằn, ngờ vực lẫn nhau thì chừng đó chúng ta còn khổ đau.
Nền văn hóa chúng ta suy cho cùng dựa vào Tam đạo, đó là Nho đạo, Phật đạo, và Giáo đạo. Trong đó, Nho giáo là ảnh hưởng sâu và rộng nhất. Quay trở lại lịch sử của đạo Nho, được Khổng Tử đề xuất thời Xuân Thu, để giúp triều đại nhà Chu quản lý xã hội. Thực sự Nho giáo là một công cụ tuyệt vời thời phong kiến, nó giúp các triều đại thống nhất được lỗi suy nghĩ toàn dân vì thế mà phép Vua được tuân thủ không một lời phản biện. Vậy liệu Nho giáo có phù hợp với thời đại này nữa không? Ở Thời đại của công nghệ và sáng tạo thì sự phản biện và sự khác biệt phải được tôn trọng ở mức độ cao nhất thì chắc chắn triết lý đạo Nho có vẻ quá lạc hậu mất rồi. Một điều nữa, nhân sinh quan của đạo Nho đó là “Tri túc bất nhục” làm cho mỗi chúng ta sống với sự so kè ăn thua đáng sợ và vị bản thân một cách quá đáng. Điều mà chúng ta dễ thấy trong xã hội lúc này.
Ngược lại, với đạo Phật, Phật có dạy các phật tử rằng “Tri túc thường lạc” – Có đủ sự hiểu biết thì tâm ta luôn an lạc. Một nhân sinh quan đẹp tuyệt, giúp ta có tâm hồn nhân ái. Sự hiểu biết đây là tri thức là sự thấu hiểu tâm can, khát vọng cũng như đau khổ của người khác để tâm ta đồng cảm với tâm người; sự yêu thương từ đó mới trường tồn và xã hội mới bớt đi những trò ăn chơi vô bổ. Sự an lạc trong tâm giúp ta đủ trí lực để cải tạo xã hội về mặt vật chất lẫn tinh thần. Dù mình không phải là một phật tử, nhưng mình tin đạo Phật sẽ dần thay đạo Nho trong đời sống văn hóa của người Việt; để văn hóa chúng ta tiến bộ hơn.

Thay cho lời kết, xin tặng các bạn 66 câu Phật học cho cuộc sống. Trong 66 câu này, có lẽ câu nào mình cũng thích, nhưng yêu nhất là câu: Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả!

Đóa Hoa Vô Thường

vo_thuongCuộc sống và vạn vật quanh chúng ta, từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Đó chính là “Vô thường” nghĩa là không có gì thường xuyên trường tồn mãi mãi.
Thân Vô thường: sinh, già, bệnh, chết là quy luật của kiếp đời; bệnh tật, tai nạn bất thường luôn xẩy ra. Cuộc đời con người cũng vậy nay còn mai mất.
Tâm Vô thường: lúc này yêu tha thiết nhưng gặp nghịch cảnh thì chuyển thành oán hận là chuyện thường tình. Lòng tin cũng dễ lung lay, lý tưởng cũng dễ thay đổi.
Thời gian Vô thường: cuộc sống hối hả, ai ai cũng chạy theo công việc tất bật hàng ngày, tranh đấu trong thương trường, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, chợt ngoảnh lại thấy mình đã già, thời gian trôi mau đời người thật ngắn ngủi để rồi thoáng chốc hiểu ra một điều được sống thanh thản hưởng chọn niềm yêu thương là điều vô cùng quý giá.
Tiền bạc Vô thường: tiền không phải là tất cả đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá lãng phí sử dụng nó. Khi chúng ta ra đời thì cũng đã chẳng có một đồng, khi chết rồi cũng chẳng mang đi được một xu. Nếu dùng tiền để mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không làm? Nếu dùng tiền mà mua được hạnh phúc, sự an nhàn tự tại thì thật xứng đáng. Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền đúng lúc đúng chỗ. Do vậy ta nên làm chủ đồng tiền, đừng bo bo làm tôi tớ cho nó điều khiển.
Cuộc sống là thế đấy, Vô thường tất thảy nên đừng than trách tự làm khổ mình, làm khổ mọi người mà thôi. Chân lý của Đạo, đó chính là sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã và đang có, không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó để làm cho cuộc sống được thêm vui thêm và giàu ý nghĩa hơn.
Hãy tập cho mình tự tìm niềm vui trong cuộc sống. Hãy tốt bụng với tất cả mọi người, vui vì làm việc thiện. Sớm muộn nhìn lại, đến lúc quá nửa đời người ta đã dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào đúng đạo lý thì làm, điều thị phi không thèm nghe và nghĩ ngợi vì nó làm tổn thọ, mình đâu phải sống giả dối đẹp lòng vì ý thích của người khác, nên sống thật với mình.
Con người ta chịu đựng, nhẫn nhịn, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất sẽ xoa dịu mọi vết thương trong cuộc sống. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào. Hiểu được Vô thường, luật nhân quả, tấm lòng rộng mở, yêu và biết thưởng thức cuộc sống, biết đủ thì lúc nào cũng được hưởng an vui và hạnh phúc (tri túc thường lạc).
Hiểu được Vô thường, con người giữ được bình tĩnh trước cảnh đổi thay bất ngờ trong cuộc đời và thản nhiên trước cảnh ân ái chia ly. Biết Vô thường, con người dám hy sinh tài sản, sinh mạng để làm việc nghĩa.
Biết Vô thường con người mới chán ngán với những thú vui tạm bợ, giảo trá, và sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật thường còn. Khi chúng ta có trí tuệ cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối, thì tất nhiên cái giá trị chân thật, cái hạnh phúc chân chính, cái Phật tính sáng suốt muôn đời sẽ hiện ra.
Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm, để lại ý nghĩa tốt đẹp cho đời và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn.
Sống ngày nào, biết yêu thương, vui tươi an lạc ngày đó!
Thiện Tâm…
Thay cho lời kết xin tặng các bạn đã yêu, đang yêu và sẽ yêu bài hát Đóa hoa Vô thường do ca sỹ Khánh Ly trình bày. Bài hát thực sự rất tuyệt vời từ nhạc cho tới lời. Tìm em tôi tìm, tìm ở mọi nơi, từ ngày tinh khôi cho tới những dấu hài trên sông bãi. Và tưởng chừng tôi không thể tìm được em thì cuối cùng tôi gặp em trong Vô thường!

“Tìm trong vô thường
Có đôi dòng kinh
Sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em
Dưới chân cội nguồn
Tôi mời em về
Đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề
Thơm ngát hương trầm”
….
Vô thường mang em đên bên tôi, vui buồn hay ái ân cùng em cũng từ đó mà ra:
“Từ nay anh đã có nàng
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái ân”
….
Rồi thì cũng chính Vô thường lại mang em ra đi, xa tôi mãi mãi. Trách ai đây bây giờ? trách tôi, trách em hay trách Vô thường? Tình yêu dựa trên sự trách móc thì chắc chắn sẽ sinh ra hận thù và đau khổ. Hiểu được luật Vô thường thì tình yêu mới trọn vẹn; khi mỗi lương duyên đi đên hồi kết có nghĩa nợ giữa tôi và người cũng đã trả xong. Phải buông mới thấy được cái đẹp của Đóa hoa Vô thường, dù rằng đôi khi nó nở ở trong đêm.
“Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đoá hoa Vô thường…”
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/doa-hoa-vo-thuong-khanh-ly.sAb6G2yJqv.html

Thành Công và Thất Bại

Nãy mình đọc được lời xin lỗi trong cay đắng của ông Scolari với người dân Brazil khi đội banh nước nhà thua tan nát trước đội Đức ở lượt trận bán kết, mà nghĩ về tính hai mặt của cuộc sống này. Cõ lẽ, ở Brazil, bóng đá như là một tôn giáo, một biểu tượng của đất nước nên dễ hiểu rằng, Scolari được mọi người gọi với cái tên thân thương Big Phil khi ông đưa đội nhà vô địch vào năm 2002. Nhưng sau trận thua muối mặt đêm qua, dường như vinh quang hào nhoáng ngày nào cũng không thể cứu vãn được ông trở thành tội đồ trong con mắt làng túc cầu, để rồi phải chua xót hỏi lại mọi người rằng “Tôi muốn hỏi là mọi người có tha thứ cho chúng tôi vì thất bại này không?!”. Tuy nhiên, trong bài xin lỗi này, có đoạn làm mình suy nghĩ mãi: “Tôi nghĩ đây là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục…”. Đó cõ lẽ là cách phản ứng của những con người đặt biệt, những con người của thành công. Và có lẽ, dòng đời là chuỗi ngày cảm xúc, buồn có, vui có nên đau đớn và sung sướng cũng là chuyện thường tình, nó đồng hành với ta suốt kiếp người này.

Khi thành công, bạn được tất thảy mọi người đưa lên chín tầng mây của sự sung sướng. Ngược lại, khi thất bại, không cần dài dòng biện hộ làm chi nữa, cả “thế giới” tức khắc quay lưng với bạn. Đó là hai mặt thường thấy của cuộc sống này. Ở đây, ở đó, và ở bất kỳ nơi nào của thế gian này đều đối xử như vậy với bạn. Rất bình thường!

Điều quan trọng bậc nhất là “trí” của ta phản ứng ra sao khi ta tán được cô nàng kiêu kỳ có tên Thành công hay khi rơi vào hố của anh chàng lỡ bước có tên Thất bại, chứ không phải chờ xem phản ứng của người khác như thế nào với kết quả mình hiện có. Dĩ nhiên, ai cũng muốn thành công được kéo dài mãi còn thất bại thì hạn chế ở mức tối thiểu; tuy nhiên, dòng đời này đâu như là mơ! Được-mất, vui-buồn, hay thành công và thất bại đều là hai mặt của cuộc sống, nó luôn song hành với chúng ta, không mặt nào là tồn tại mãi mãi và cũng không có mặt nào là không bao giờ xuất hiện. Hai mặt này đối lập nhưng bổ sung cho nhau, không có nhưng lúc buồn thì sao bạn cảm được niềm vui? không có những thất bại thì bạn sẽ không thưởng thức được mùi vị của thành công ngon như thế nào?. Và sự thật, người có nhiều thành công hơn thất bại là người có nhiều kỹ năng phù hợp với công việc anh ta đang làm. Một trong những kỹ năng đó nhất thiết phải biết rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại, sau đó hiệu chỉnh lại cách thức và kế hoạch làm việc cho phù hợp hơn. Trong cuốn sách Làm chủ tư duy của Adam Khoo có chương II với tiêu đề rất “hấp dẫn”: Công thức thành công tuyệt đỉnh. Đây là chương mẫu chốt của cuốn sách rất hay này. Có bốn bước để đi đến thành công: sau khi bạn xác định được mục tiêu thì tiếp theo phải có chiến lược và hành động. Bước thứ 4 là hiệu chỉnh nếu như mục tiêu chưa đạt được (thất bại), hiểu chỉnh ở chiến lược và cách làm việc; hiểu chỉnh tới chừng nào đạt được mục tiêu (thành công) thì thôi. Như vậy, về mặt lý thuyết, để có thành công thì tất yếu phải nếm mùi thất bại, thường thì phải sau rất nhiều lần hiệu chỉnh mới có được thành công. Đừng sợ thất bại cũng như đừng là một người không bao giờ thất bại; bởi vì người duy nhất không bao giờ thất bại là người không làm gì cả!

Một yếu tố đáng lẽ phải nói trước khi bàn về thành công và thất bại, đó là thế nào được coi là thành công và ra sao thì gọi là thất bại. Có lẽ, rất khó để định nghĩa điều này, vì nó không phải là những đại lượng vật lý có định lượng và định tính rõ ràng. Khái niệm thành công và thất bại là tương đối, tương đối vì nó tùy thuộc vào chủ thể cũng như hoàn cảnh. Có người coi kết quả vậy là thành công rồi, ngược lại có người xem đó là thất bại thảm hại. Ví dụ, đội banh Brazil vừa thi đấu WC xong, xếp hạng ở vị trí thứ 4 chung cuộc, nếu nhìn vào lực lượng cũng như so sánh với 3 đội xếp trên thì kết quả vậy không đến nỗi nào, có người còn nhận định kết quả vậy là thành công rồi, vì lực lượng Selecao năm nay hầu như gồm các cậu thủ “hạng 2” mà thôi. Nhưng với những người yêu mến đội bóng này thì đây quả là một kỳ WC thê thảm. Như vậy, tốt nhất, tự chính bản thân bạn phải xác định kết quả mình làm ra như vậy là thành công hay chưa. Đừng bận tâm quá nhiều về phán xét của người khác đối với bạn, vì họ ở hoàn cảnh khác bạn và không hiểu rõ nội tình như bạn, nên những đánh giá của họ thường lệch lạc và có tính chủ quan.

Điều quan trọng nữa là “tâm” của ta nên ở đâu khi thấy mình vừa đạt được thàng công cũng như vừa vấp phải thất bại? Hầu hết chúng ta đều có chung một cảm xúc rằng thôi thì cứ vui khi đạt được thành công và buồn khi thất bại, vì đó là cảm xúc chung của con người, của bất kỳ ai, vì mỗi ta đều là người trần mắt thịt. Nhưng viết đến đây mình nghĩ tới một trong những lời răn của Phật rằng: Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng; khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau đó cũng không trường tồn. Quả thật đúng, không gì là vĩnh cửu, là trường tồn mãi mãi. Dù bạn đang thành công hay thất bại, tất cả chỉ tạm bợ mà thôi. Hãy ở tâm thế của một người vừa xuất phát, đừng quan tâm còn bao xa nữa ta mới tới đích. Làm được như vậy mới giúp ta vượt qua đầy rẫy những chướng ngại vật đang chờ ở phía trước. Ngủ say trong chiến thắng mà quên đi rằng dòng đời vẫn chảy thì đó quả là kẻ ăn cắp trắng trợn khi được sinh ra trên cõi đời này. Còn khi ta thất bại thì hãy nghĩ tới hoàn cảnh sau đây mà điều chỉnh: “Khi tôi khóc vì không có dép để mang, thì tôi nhìn thấy có kẻ không có chân để đi!”. May mắn lắm thay thì ta mới được sinh ra, đừng nản lòng với hoàn cảnh hiện tại, đừng để những lời chỉ trích làm bạn quay lưng với cuộc đua đầy hương vị ngọt bùi đang chờ ở phía trước. Hãy đứng lên rồi vững vàng đi tiếp một cách khôn ngoan.

Và luôn khắc ghi rằng tất thảy đều Vô thường!

CL-20140709, Ulsan, viết cho những ngày đầu mùa mưa..

Sự Khác Biệt

Hôm qua đọc được bài phân tích của một “bạn” liên quan tới về vụ án bầu Kiên, nói chung là chỉ trích thậm tệ ngành tư pháp của VN rằng: năng lực quá yếu kém của hội đồng xét xử và hệ thống pháp luật rườm rà mà rất nhiều ké hở, để rồi cả hội đồng đều đuối lý với ông Kiên. Tuy vậy vẫn có bản án “nực cười” và chắc chắn đó là bản án đã được “cơ cấu” rồi. Còn hôm nay thì đọc được bài của một “bạn” khác cũng về chủ để này, khẳng định những kẻ làm ăn như ông Kiên thì 30 năm tù và phong tỏa toàn bộ tài sản là xứng đáng, bản án vậy là đúng người đúng tội, không lăn tăn, mất thời gian cãi lý với những hạng người này. Như vậy, cùng một sự việc nhưng có sự khác biệt rất nhiều trong suy nghĩ.

Sự khác biệt trong suy nghĩ (tư duy) là điều dễ thấy trong xã hội, đặc biệt, xã hội nào càng văn minh thì sự khác biệt đó càng rõ ràng. Hai anh em tuy cùng một gia đình nhưng tính cách lẫn quan điểm sống hoàn toàn khác nhau, huống hồ chi là các cá thể sống độc lập trong xã hội. Do vậy, dù “ưa” hay “không ưa” thì bạn cũng phải chấp nhận sự khác biệt tới từ người khác. Không thể lấy ý chí chủ quan của một người hay một nhóm người để “đàn áp” sự khác biệt được; đừng bao giờ mong muốn có sự “cào bằng” trong tư duy.

Một điều cần nhấn mạnh rằng: sự khác biệt trong tư duy là nguồn gốc cho sự phát triển trong xã hội; cùng một việc nhưng được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau thì sự việc đó sẽ càng sáng tỏ hơn. Ngoài ra, sự khác biệt là động lực của cạnh tranh; xã hội không có sự ganh đua hay “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” thì gọi là xã hội cộng sản, cái xã hội đó có lẽ chỉ xuất hiện ở sao hỏa mà thôi. Do sự khác biệt, chúng ta phải chứng tỏ tư duy mình là đúng bằng kết quả đạt được trong cuộc sống; cơ chế ganh đua bình đẳng vậy đẩy xã hội đi lên.

Vẫn đề đặt ra là sự khác biệt như vậy cũng có thể làm cho xã hội “lộn xộn” và xã hội chẳng đi về đâu vì mỗi người một hướng? Trong xã hội phong kiến, để thống nhất lỗi suy nghĩ của toàn dân để không “phản động”, triết lý “quân nhân thần trung” [1] của đạo Khổng ra đời, bản chất nhằm phục vụ sư cai quản của vua chúa đương thời. Còn ở xã hội bây giờ thì sao, nếu vẫn áp dụng tư duy quản lý kiểu “quân nhân thần trung” thì chắc chắn đi ngược lại với xu hướng phát triển loài người vì tư tưởng đó “vùi dập” sự tự do-sự sáng tạo. Thay vào đó, xã hội nào được quản lý bởi Nhà nước pháp quyền [2]-[3] thì xã hội đó phát triển rõ rệt. Quay lại vụ án bầu Kiên, có người cho rằng nếu ông này được xét xử ở Mỹ thì chắc chắn trắng án, nhưng có người cũng cho rằng nếu ông Kiên mà làm ăn dưới sự quản lý của nhà Trắng thì ổng không giàu được như đã từng và cũng không dính chàm đau đớn như bây giờ. Như vậy chúng ta thấy rõ được rằng cách quản lý của nhà nước nào đẩy xã hội lộn xộn và bất bình đẳng.

Link tham khảo:
[1] http://triethoc.hnue.edu.vn/index.php/Dao-duc-hoc/quan-nim-ca-nho-giao-v-o-lam-ngi.html
[2] https://www.facebook.com/notes/osin-huyduc/một-đảng-và-hiến-pháp/258328104190425
[3] http://read.alezaa.com/#urn:uuid:f565218c-d546-4276-a4ca-b85e0df75b1d/

Sách và Thói Quen Đọc Sách

Sách là cả thế giới của tri thức, và đọc sách giúp bạn mở được cánh cửa để đi vào thế giới tươi đẹp đó. Những người đọc sách nhiều thường có tâm hồn đẹp, có nhân sinh quan mang dáng dấp của thời đại. Đọc sách cũng giúp chúng ta có kiến thức để hiểu Ta, hiểu Người và hiểu về vạn vật xung quanh; bởi vậy, khi làm bạn với sách, ta có đầy đủ công cụ để sống tốt trên cõi đời này dẫu cho hoàn cảnh quanh ta là vạn biến.

Tiếc rằng thói quen đọc sách, thói quen làm bạn với sách đang bị xem nhẹ cả trong tư tưởng của thế hệ trẻ lẫn cả trong cách truyền cảm hứng của phụ huynh cho con cái trong gia đình. Để rồi, trong bài viết gần đây đăng trên Học thế nào (hocthenao.vn), GS Ngô Bảo Châu đã phải thốt lên rằng “Những tiệm sách ấy, bây giờ ở đâu ?!” khi ông về thăm Hà Nội. Có thể những tiệm sách đó đã phải nhường chỗ cho những khu vui chơi giải trí mọc lên trong cơn bão kinh tế không của riêng ai? Nhưng mình vẫn tin rằng chỗ nào nhiều tiệm sách thì đó là nơi trú ngụ của những tâm hồn bình yên và cái nào thuộc về đẹp đẽ thì luôn vĩnh hằng.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới người trẻ ít có thói quen đọc sách là cách kinh doanh sách của các doanh nghiệp Việt khi họ chưa bắt kịp được xu hướng số hóa. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận với ebook của người đọc như thường thấy ở các nước phát triển. Ở thời đại chỉ với một máy Ipad, Tablet, hay Kindle thì trong tay bạn có thể chứa cả một nhà sách và có thể làm bạn với sách bất kỳ đâu; nhưng tiếc thay những bản ebook thì hiếm thấy các doanh nghiệp làm sách chào bán. Có thể việc ý thức về bản quyền của người đọc đang là trở ngại lớn nhất cho các nhà xuất bản khi giải quyết vẫn đề này. Hy vọng chúng ta – những độc giả sẽ có trách nhiệm và trân trọng công sức tác giả khi đọc sách.

Một vài cuốn sách dưới đây mình thấy hay; bạn nào biết cuốn nào hay nữa thì giới thiệu mình với nhé.
Thể loại tình cảm:
+ Oxford thương yêu (Dương Thụy)
+ Anh có thích nước mỹ không (Tân Di Ổ)

Thể loại soft-skill:
+ Body Language (Allan Pease)
+ Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống (First New)

Thể loại “rèn luyện sự sáng tạo”:
+ Tôi tài giỏi-Bạn cũng thế (Adam Khoo)
+ Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh (Adam Khoo)

Thể loại chính trị:
+ Bên thắng cuộc (Huy Đức)
+ Hồi ức và suy nghĩ (Trần Quang Cơ)
+ Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein)
+ Chiến tranh tiền tệ (Song Hongbing)

Thể loại không gian – vũ trụ:
+ Lược sử thời gian (Stephen Hawking)
+ Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Trịnh Xuân Thuận)
+ Những con đường của ánh sáng (Trịnh Xuân Thuận)

Thể loại triết lý và logic:
+ Sophie’s world (Jostein Gaarder)

Thể loại tự truyện:
+ Không bao giờ là thất bại (Chung Ju Yung)
+ Thế giới quả là rộng lớn (Kim Woo Chung)

Sách dành cho cha mẹ để nuôi dạy con trẻ:
+ Thiên tài và sự giáo dục từ sớm (Kimura Kyuichi)
+ Em phải đến Harvard học kinh tế (Lưu Vệ Hoa)

Thể loại kinh tế (quản lý đồng tiền, luật, marketing, etc..) và xây dựng hình ảnh bản thân: Hiện chưa biết cuốn nào hay, bạn nào biết giới thiệu cho mình với hen.

Cánh Buồm

Người ngư dân khi ra biển lớn họ cần một cánh buồm vững chãi, một đất nước muốn vươn ra thế giới thì đất nước đó phải có một nền giáo dục phát triển. Trong mỗi quan hệ giữa kinh tế, giáo dục, văn hóa, và chính trị của một đất nước thì kinh tế giữ vai trò quyết định, nhưng giáo dục lại là yếu tố làm nền tảng. Đất nước nào có nền tảng tốt thì đất nước đó sẽ phát triển kinh tế. Không đơn giản mà nước Mỹ xem các trường đại học, viên khoa học là những mảnh đất “bất khả xâm phạm” vì họ hiểu rằng đó là nơi sản sinh ra những “quả trứng vàng” cho nền kinh tế thông qua những phát minh làm nguồn gốc của thặng dư trong xã hội.

Vậy thế nào là nền giáo dục tiên tiến? Ai định nghĩa và quy ước mô hình này? Liệu nền giáo dục của các nước phương Tây, Mỹ hay Nhật đã là “đỉnh cao” chưa? Câu trả lời cho câu hỏi số 3 là Chưa, vì chưa có nước nào thỏa mãn với nền giáo dục của họ; chủ đề Cải cách giáo dục là chủ đề thường nhật không ngoại trừ nước nào cả. Như vậy, khái niệm nền giáo dục tiên tiến và mô hình của nền giáo dục tiên tiến chỉ mang tính tương đối? Hay khái niệm này là chân lý, vì chân lý thì không của riêng ai, chúng ta phải đi – phải thử – rút kinh nghiệm rồi mới tìm ra chân lý thực sự?

Trong cuốn sách “Cải cách giáo dục Nhật Bản” của Ozaki Mugen, có nói rắng nhờ vào cuộc cải cách giáo dục bắt đầu sau thế chiến thứ II, Nhật Bản mới có nền giáo dục và khoa học phát triển như ngày hôm nay [1]. Ngay sau khi Hội đồng cải cách giáo dục được thành lập (8/1945), có hàng vạn tham luận, ý kiến bàn về mô hình giáo dục của Nhật đến từ rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức dân sự tham gia.Từ đó tới nay, Nhật Bản xem việc cải cách giáo dục là công việc hằng ngày, là nhiệm vụ hằng đầu của chánh phủ cũng như toàn dân tộc; không cải cách giáo dục đồng nghĩa rằng đất nước sẽ tụt hậu.

Trong bối cảnh Việt Nam vừa phát động công cuộc cải cách triệt để nền giáo dục, thì càng nhiều tham luận, nhiều ý kiến, và càng nhiều nhóm dân sự tích cực tham gia thì càng có lợi cho công cuộc này để nó đi tới “đích” có kết quả hơn và nhanh hơn. Cho dù những ý kiến mang tính chỉ trích gay gắt cách làm của Bộ giáo dục thì vẫn có ý nghĩa nhất định khi nó là tín hiệu phản hồi cho Bộ. Còn việc Bộ giáo dục Việt Nam có tiếp thu và chấp nhận những ý kiến, tham luận đến từ các cá nhân, tổ chức dân sự như ở Nhật Bản thì đó hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh chính trị của chính phủ Việt Nam hiện thời.

Đọc qua những ý kiến trên Học Thế Nào (hocthenao.vn), cũng như những mô hình giáo dục được đề xuất, thì mô hình của nhóm Cánh Buồm mình vẫn thấy khả thi nhất; kết cấu của mô hình này được phác thảo tại link [2]. Giai đoạn phổ thông có thời gian 12 năm và chia ra hai bậc: cơ sở và hướng nghiệp-chuyên khoa, đủ để truyền đạt những kiến thức cơ bản cho người học cũng như phân loại người học theo hướng nghề nghiệp khi họ áp tuổi trưởng thành.

Ngoài yếu tố kết cấu chương trình thì “Sách giáo khoa” dùng cho việc giảng dạy là yếu tố “sống còn” của nền giáo dục. Cách làm và cách dùng Sách giáo khoa ở Việt Nam hiện khác biệt so với cái cách mà các nước phát triển đang làm. Khái niệm tư nhân làm sách giáo khoa và giáo viên-học sinh có thể tham khảo cùng lúc nhiều cuốn Sách giáo khoa cho mỗi môn học vẫn là những “khái niệm” khá lạ lẫn ở Việt Nam; Sách giáo khoa được Bộ giáo dục “ôm sô” và giáo viên-học sinh học theo duy một cuốn Sách giáo khoa đã soạn sẵn. Trong khi đó, ở các nước phát triển, Bộ giáo dục chỉ đóng vai trò quản lý (đưa ra chuẩn đầu ra đầu vào, cấu trúc khung cho các lớp học-cấp học,…), còn việc biên soạn Sách giáo khoa thì được các tổ chức dấn sự đảm nhận, nên Sách giáo khoa sẽ rất đa dạng và việc chọn những cuốn sách nào để làm tài liệu giảng dạy hoàn toàn do giáo viên quyết định. Để có những cuốn Sách giáo khoa chất lượng thì cần có hai đội ngũ: Ban biên tập và nhóm tác giả [3]. Vẫn đề này mình đang lọ mọ đọc nên không nói nhiều được, bạn nào có kinh nghiệm xin chia sẻ.

Link tham khảo: 
[1] Cải cách giáo dục Nhật bản: 
http://thaihabooks.com/sach-thaiha/411/Cai-cach-giao-duc-Nhat-Ban/
[2] Giới thiệu sách và mô hình giáo dục được đề xuất bởi nhóm Cánh Buồm
http://d3pctfw5d7e889.cloudfront.net/cb0/Chuong-hai-CAI-CACH-TOAN-BO-HE-THONG-GIAO-DUC.html
[3] Biên tập sách và quy trình
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140428/lam-sach-giao-khoa-chuyen-nhu-dua.aspx
http://hocthenao.vn/2013/07/22/ban-tu-thu-va-viec-soan-sach-giao-khoa-1956-1958-le-hai-chau/

Scientific Writing

ImageThis book is heavily focused on writing clinical research including clinical research examples, with very little information specific to general research articles. Sections of the book focus on using the proper statistics (for clinical studies) data table design, and data organization, but had little to no information about generating other types of figures or writing non-clinical research articles.

This book also includes useful information about submitting your article, writing and responding to peer review, and having an article rejected. These sections were really more about getting published than actually writing. The short section on writing a post graduate dissertation did not include enough information to really be useful. Also, this is not a good recourse for specifics about grant writing.

The final sections of the book include information about actual writing, which didn’t seem completely specific to scientific writing, but was all together useful. There are chapters on sentence structure, word choice, grammar, and punctuation. Each of these chapters contain numerous examples where example sentences are made more clear though the topic discussed in the chapter. Of course a lot of writing style even scientific writing is personal preference, so there are no hard and fast rules, but these sections give some good general advice and discuss many common word choice and grammar mistakes.

Overall, I found a lot of good suggestions and advice in this book, but it was also very dense and a little boring. The title and description suggested that the book would be about general scientific writing (many biomedical studies are not clinical trials or clinical studies), but the emphasis on clinical research left out important topics that would be useful to scientists writing other types of research papers.

If you are interested to be a scientific, you can dowload this very useful document here